Tin Tức

Giới thiệu chương trình đào tạo Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa – Khoa Điện-Điện tử

  • 04/06/2020
  • Tin Tức

Loài người chúng ta đã trải ba cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi sâu sắc hệ thống kinh tế và cấu trúc xã hội. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 với việc phát minh ra động cơ hơi nước; cuộc cách mạng công nghiệp  lần thứ 2 bắt đầu khi con người phát minh ra điện cho phép sản xuất hàng hoá hàng loạt; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra với sự xuất hiện của máy tính điện tử, đặc biệt sự ra đời của Internet đã làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế của từng quốc gia và toàn cầu, đồng thời nó còn làm thay đổi hành vi ứng xử của con người chúng ta. Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng này hứa hẹn làm thay đổi xã hội loài người ở qui mô lớn hơn và sâu sắc hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng kết nối vạn vật (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, phương tiện tự hành và máy tính lượng tử cho phép các hệ thống thực ảo trên toàn cầu liên kết với nhau một cách chặc chẽ và linh hoạt. Điều này dẫn đến sự thay đổi cách vận hành nền kinh tế, xã hội và hành vi cá nhân trên phạm vi toàn thế giới. Các yêu cầu về sản xuất công nghiệp đang thay đổi nhanh chóng do có nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm phù hợp với từng cá tính khách hàng. Đồng thời, các công ty phải đối mặt với áp lực gia tăng để sản xuất với giá cả cạnh tranh hơn. Để thích ứng với những điều kiện mới này, các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hệ thống, tự động hóa sản xuất và các hệ thống kinh doanh sẽ cần phải gắn kết ở mức độ cao hơn bao giờ hết, tạo ra các phương tiện sản xuất mới trong quá trình này. Ví dụ ứng dụng sau đây cung cấp cái nhìn sâu sắc vào ngành công nghiệp 4.0: Nhà máy thông minh.

Nhà máy thông minh (Smart Factory) cho phép các đơn đặt hàng của từng khách hàng đến nhà máy trong vòng vài mili giây. Nhà máy thông minh được đặc trưng bởi sự kết hợp của tự động hoá và số hóa, kết quả là phương pháp sản xuất hiệu quả hơn. Điều này mang lại nhiều lợi thế và cơ hội cho sản xuất công nghiệp: Chi phí giảm đi thông qua việc loại bỏ các khâu trung gian, hơn nữa các phương pháp sản xuất tự động cũng làm tăng tính hiệu quả trong toàn bộ dây chuyền sản xuất. Việc tích hợp phần mềm cho phép các công ty phân tích khối lượng dữ liệu lớn theo thời gian thực và có được các báo cáo toàn diện về tình trạng sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Điều này có nghĩa là các nguồn lực có thể được phân phối lại ngay lập tức nếu cần thiết, một lần nữa tiết kiệm chi phí. Hay nói cách khác, sản xuất linh hoạt hơn bởi vì các hệ thống, cách thức truyền thông và nội dung được cấu hình lại, cho phép sửa đổi các chuỗi sản xuất trong thời gian ngắn. Tất cả điều này cho phép các sản phẩm tùy biến, sản phẩm có cá tính cao được sản xuất với chi phí tương đương với sản xuất hàng loạt, đây chính là yếu tố cạnh tranh then chốt trong ngành sản xuất công nghiệp 4.0 trong tương lai.

Một số ví dụ khác về cách mạng công nghiệp 4.0 là ô-tô tự hành, máy in 3D, robot, thiết bị đeo thông minh… Đây chính là những sản phẩm mở ra cơ hội phát triển to lớn cho lĩnh vực Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Việt Nam chúng ta đang tiến hành hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới cũng không thể đứng ngoài sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 (ngày 3/4), Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao nội dung Báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA). Chính phủ đưa ra quyết nghị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hội nhập và phát triển kinh tế đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển.

 Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Duy Tân đã mở ngành mới Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Nét đặc sắc của chương trình là đào tạo theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như đã nói qua ở trên. Chương trình đào tạo gồm 154 tín chỉ được đào tạo trong 4 năm rưỡi và cấp bằng Kỹ sư. Một số môn học chuyên ngành tiêu biểu của chương trình tiên tiến Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa như: Tự động hóa quá trình sản xuất FMS & CNC, Ứng dụng vi điều khiển, Máy điện, Kỹ thuật điều khiển, Bộ điều khiển logic khả trình PLC, Mạng truyền thông công nghiệp SCADA, Robot công nghiệp, Kỹ thuật đo lường và cảm biến, Mô hình hóa và mô phỏng hệ thống điều khiển, Điện công nghiệp, Thiết bị điện… Nét đặc sắc của chương trình là dạy theo dự án CDIO (Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Thực hiện – Vận hành). Đây được xem như là những kiến thức và kỹ năng trang bị cho sinh viên đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đội ngũ giảng viên khoa Điện - Điện tử (FEEE), cán bộ Trung tâm Điện - Điện tử (CEE) của ĐH Duy Tân được tập huấn tại ĐH Purdue Northwest với hệ thống phòng thực hành được thiết kế theo các tiêu chuẩn ở ĐH Purdue Northwest.

Cơ hội việc làm

  • Các khu công nghiệp chế xuất: khu công nghiệp Hòa Khánh – Hòa Cầm – Đà Nẵng – Liên Chiểu – Hòa Vang, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các khu công nghiệp trong cả nước.
  • Các xí nghiệp sản xuất có các dây chuyền sản xuất công nghiệp: Nhà máy Dệt 29-3, Nhà máy dệt Hòa Thọ, nhà máy vàng Bồng Miêu, công ty Cao su Đà Nẵng, Manbuchi Motor, Premo, nhà máy Heineken,…
  • Các công ty sản xuất và kinh doanh các thiết bị điện công nghiệp: Siemens, Philip, Điện Quang, Samsung, Sanyo, …
  • Các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện phong, điện hạt nhân.
  • Các công ty thiết kế và sản xuất các hệ thống tự động, thang máy: Pacific Elevator, Mitsubishi, Vietech (ĐN), Novas (ĐN)...
  • Làm việc ở các cơ quan, đơn vị, nhà máy kinh doanh sản xuất thuộc lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hoá.
  • Các đơn vị trong ngành quân sự, ngành y tế có sử dụng các thiết bị điện tử, hệ thống lập trình tích hợp và tự động hóa.
  • Các Viện nghiên cứu, các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
  • Các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý dự án trong lĩnh vực Điện – Điện tử.

Kỳ vọng với chương trình Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, sinh viên ra trường có được các vị trí công việc vững chắc trong làn sóng công nghiệp 4.0 đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường lao động thế giới.

Cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa:

undefined

 

 

Các tin khác