Kĩ năng mềm
Một số dụng cụ an toàn và thi công trong ngành điện
1)NÓN NHỰA AN TOÀN CÁCH ĐIỆN:
a)Công dụng: Mũ nhựa an toàn có hai tác dụng:
- Dùng trang bị cho cán bộ công nhân viên trực tiếp sản xuất ngoài công trường, nhằm phòng tránh tai nạn lao động, bảo vệ chống các va chạm mạnh như dụng cụ từ trên cao rơi xuống hoặc đụng phải những vật cứng…
- Bảo vệ chống điện giật khi bất ngờ chạm phải dây điện hạ áp. Cấm tiếp xúc với lưới điện.
b) Sử dụng:
- Trước khi sử dụng kiểm tra võ nón, quai, nút điều chỉnh có chắc chắn hay không, nếu bị hỏng thì không sử dụng.
- Điều chỉnh bộ phận điều chỉnh vặn xiết ở phía sau nón và quai cho phù hợp với người sử dụng.
- Người làm việc trên cao hoặc dưới đất đều phải sử dụng nón nhằm phòng tránh tai nạn lao động, bảo vệ chống các va chạm mạnh như dụng cụ từ trên cao rơi xuống hoặc đụng phải những vật cứng.
- Cấm tuyệt đối khi đội nón mà không cài quai trong mọi trường hợp và cho tất cả các đối tượng.
2)BỘ DÂY ĐAI AN TOÀN.
a)Công dụng: Dùng trang bị cho cán bộ công nhân viên trực tiếp sản xuất ngoài công trường, nhằm phòng tránh tai nạn lao động khi làm việc trên cao, sử dụng dễ dàng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
b)Sử dụng:
- Kết nối dây choàng trụ 2 móc với dây an toàn chính.
- Dây an toàn chính được mang vào người ở tư thế sẵn sàng làm việc.
- Móc khóa số 1 của dây choàng trụ 2 móc được máng vào móc chữ D của dây an toàn chính (nằm phía bên hông dây an toàn chính chếch về 1 bên).
- Lúc này dây an toàn chính và dây choàng trụ 2 móc được nối kết với nhau qua móc khóa số 1.
- Thực hiện leo trụ theo quy trình leo cột hiện hành.
- Khi di chuyển đến vị trí phức tạp hoặc vượt qua chướng ngại vật mà cần tạm tháo dây an toàn chính thì phải máng dây choàng phụ vào vị trí cố định (dây choàng phụ dùng để chống ngả cao khi vượt qua chướng ngại vật mà cần phải tháo dây đai chính ra, do chưa tìm được hình nên mình chưa post).
- Sau khi vượt qua khỏi chướng ngại vật, dây an toàn chính được quàng vào vị trí cố định (trụ điện, …) xong sau đó mới được tháo dây choàng phụ ra.
- Trường hợp khác, nếu làm việc thời gian dài trên lưới điện thì phải mắc cả dây choàng qua trụ chính và dây choàng phụ vào vị trí cố định, nhằm bảo đảm an toàn 2 cấp cho người làm việc.
- Các lưu ý an toàn:
+ Trước khi sử dụng kiểm tra bên ngoài gồm khóa móc, đường chỉ, ... xem có bị gỉ sét, nứt nẻ hoặc bị đứt. Nếu nghi ngờ phải cho thử trọng lượng ngay. Trước khi leo cột phải kiểm tra lại độ bền, khóa hãm ở chân cột.
+ Kiểm tra các khóa 1 và 2 bảo đảm cứng vững không rạn nứt và các lò xo đàn hồi tốt. Các đường chỉ may có bị hỏng không.
+ Vị trí lắp đặt dây choàng qua trụ (điểm cố định trên cột) phải cao hơn dây thắng lưng an toàn và làm việc thoải mái.
3)GĂNG TAY CÁCH ĐIỆN TRUNG ÁP (HOẶC HẠ ÁP).
a)Công dụng: bảo vệ người thao tác được cách điện với đất, dùng trang bị
cho việc thao tác đóng cắt điện, tiếp địa, thử điện cao áp.
b) Sử dụng:
- Trước khi sử dụng phải tiến hành thử xem găng tay có bị thủng hay không?
- Nếu phát hiện hư hỏng hoặc thủng phải thay thế ngay.
- Không được sử dụng găng cách điện khi thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn cách điện theo qui định hiện hành.
- Khi vận chuyển găng tay phải đưa vào bao bảo vệ. Không được để chung găng tay với các dụng cụ đồ nghề khác, để trách cọ sát đâm thủng. Găng tay cách điện khi thực hiện thao tác xong, phải bỏ vào túi vải bảo quản và mang theo người.
- Khi trèo lên trụ để thao tác đóng cắt điện và sau khi thao tác xong xuống trụ, tuyệt đối không được tung ném găng tay mà phải mang theo người.
- Khi làm việc xong phải tháo găng tay để vào hộp đựng găng, không được vứt ném vào chổ để đồ nghề khác, làm cho găng tay bị chọc thủng.
4)ỦNG CÁCH ĐIỆN TRUNG ÁP.
a)Công dụng: Bảo vệ cho người thao tác được cách điện với đất, dùng trang
bị cho việc thao tác đóng cắt điện cao áp.
b)Sử dụng:
- Trước khi sử dụng phải tiến hành thử xem ủng có bị thủng hay không?
- Nếu phát hiện hư hỏng hoặc thủng phải thay thế ngay.
- Không được sử dụng ủng cách điện khi thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn cách điện theo qui định hiện hành.
- Khi vận chuyển ủng cách điện ta phải bảo quản cẩn thận. Không được để chung ủng cách điện với các dụng cụ đồ nghề khác, để trách cọ sát đâm thủng.
- Sau khi sử dụng ủng cách điện phải lau chùi cho khô ráo, nếu bị ẩm ước, phải dùng phấn rắc vào trong ủng cách điện để chống ẩm và dính.
- Không được vứt ném vào chổ để các đồ nghề khác, làm cho ủng bị chọc thủng.
5. SÀO TIẾP ĐỊA DI ĐỘNG TRUNG ÁP.
a)Công dụng: Dùng để cho người công nhân thao tác lắp và tháo tiếp địa trên lưới điện trung thế đến 35kV.
b) Sử dụng:
- Trước khi thao tác dùng tay đè lên chốt khóa của bộ điều chỉnh được gắn trên thân sào, giữ chặt chốt khóa và đẩy bộ điều chỉnh lên phía trên đến khi không còn di chuyển được (móc sào đã vào vị trí thao tác) buông chốt khóa ra.
- Dùng tay ấn nút phía trên bộ điều chỉnh (hình vuông) giữ chặt và đẩy lên phía trên, móc sào sẽ được mở ra và bắt đầu thao tác.
- Móc sào được móc vào thiết bị, ta dùng tay đè lên chốt khóa và giữ chặt di chuyển bộ phận điều chỉnh về phía dưới thân sào khóa đóng lại sẽ giữ chặt thiết bị ta bắt đầu thao tác.
6) BỘ TIẾP ĐỊA LƯU ĐỘNG TRUNG ÁP.
a)Công dụng: Dùng để nối tắt các dây dẫn điện đã cắt điện hoàn toàn với đất
hoặc dây trung tính trực tiếp nối đất, nhằm đảm bảo an toàn khi công tác trên lưới điện trung thế, nếu bất ngờ có điện thì không bị nguy hiểm.
b)Sử dụng:
- Trước khi thao tác tiếp đất cần kiểm tra lại đầu kẹp. Đầu kẹp phải ở trong tình trạng tốt, nắp kẹp phải dễ dàng bật ra kẹp khi khi vặn ty kẹp M16.
- Vặn tháo ty kẹp M16 với vị trí sao cho phần nắp kẹp có thể bật ra và hợp với thân kẹp thành một khoảng cách tương ứng đường kính dây dẫn sẽ kẹp.
- Dùng sào tiếp địa kẹp chặt đầu ty kẹp M16 (tại vòng khoen của ty kẹp) và đưa lên vị trí cần tiếp đất. Móc đầu kẹp vào dây dẫn, nắp kẹp sẽ tự động bật ra và khép lại khi kẹp vào dây dẫn.
- Để nguyên sào, xoay chiều kim đồng hồ để vặn ty kẹp M16 ép chặt nắp kẹp vào dây dẫn. Tháo sào và tiếp tục động tác như trên với các đầu kẹp còn lại.
7. SÀO TIẾP ĐỊA DI ĐỘNG AUTOCLAMP VÀ GIÁ ĐỠ.
Sào tiếp địa autoclamp và bộ đầu kẹp
a)Công dụng: Sào lắp tiếp địa di động Autoclamp là loại sào cách điện, chuyên dùng cho việc tiếp địa di động an toàn trên đường dây, thiết bị điện trung áp đến 35kV.
b)Sử dụng:
- Kết nối các đoạn sào: Kéo đoạn số 1 sào cách điện ra và khóa chốt kết nối đoạn 1 và đoạn 2 của sào.
- Đầu sào đã được lắp BỘ GIỮ và khóa bằng boulon Φ8.
- Kết nối clamp kẹp thứ 1 vào, sau đó kéo cần lò xo đẩy về phía dưới. Lúc này clamp thứ 1 đã kết dính vững chắc vào BỘ GIỮ tại đầu sào. Tương tư như thế nối các clamp kẹp còn lại.
- Thao tác lắp tiếp đất:
+ Tiếp đất gồm có 02 người thực hiện: 1 người giám sát bậc 4 an toàn
+ người thao tác bậc 3 an toàn.
+ Người thao tác leo trụ đến vị trí hợp lý và quàng dây an toàn chắc chắn.
+ Máng clamp kẹp thứ 4 vào dây trung hòa, đồng thời kéo sào xuống.
+ Lúc đó dây dẫn chạm vào bộ phận cò chỏi hình nấc thang làm cho lò xo đẩy về hoạt động tự do và kẹp vào dây dẫn. Lực kẹp dây dẫn bằng lực kẹp của lò xo đẩy về. Tương tư như thế thực hiện tại các dây pha.
- Thao tác tháo tiếp đất:
+ Người thực hiện, thực hiện động tác an toàn leo trụ tháo tiếp đất.
+ Đưa cần chữ Y vào vòng tròn phía trên clamp kẹp pha A, sau đó dùng sào xoắn vào sao cho cần chữ Y vào rãnh vuông và kéo mạnh xuống. Lưu ý giữ cho clamp kẹp nằm trong cần chữ Y. Tương tự như thế tháo các clamp kẹp pha B và C và cuối cùng tháo clamp kẹp dây trung hòa.
- Các lưu ý về an toàn:
+ Bảo đảm khoảng cách an toàn với các thiết bị mang điện lân cận.
+ Mang găng tay cách điện.
+ Chọn vị trí thao tác hợp lý và an toàn.
8) BỘ ĐẦU KẸP TIẾP ĐỊA AUTOCLAMP TRUNG ÁP.
a)Công dụng: Dùng để nối tắt các dây dẫn điện đã cắt điện hoàn toàn với dây trung tính đã được nối đất nhằm đảm bảo an toàn khi công tác trên lưới điện, nếu bất ngờ có điện thì không bị nguy hiểm.
b)Sử dụng:
- Tại đầu sào được lắp vào bộ giữ các clam kẹp và có cần chữ Y dài 21cm để thu hồi các đầu clam kẹp.
- Các clam kẹp được thiết kế lực kẹp dây bằng LÒ XO ĐẨY VỀ. Lò xo này được kéo giãn ra và tự động giữ thông qua cơ cấu chỏi bộ phận CÒ CHỎI HÌNH NẤC THANG.
- Sau khi kéo LÒ XO ĐẨY VỀ của các Clam thì các chốt kéo về của Clam được giữ chặt tại rãnh vuông của bộ phận nối tiếp phía trước như sau: Rãnh vuông Clam kẹp thứ 1 giữ cho clam kẹp thứ 2, rãnh vuông clam kẹp thứ 2 giữ cho clam kẹp thứ 3,…Như vậy các kết cấu từ thân sào đến đầu sào và các clam kẹp được cố định giữ chặt nhau nằm trên đỉnh thẳng đứng.