Kĩ năng mềm
4 ĐIỀU QUAN TRỌNG KHI BẮT ĐẦU KHỞI NGHIỆP
Khởi nghiệp dù lớn dù nhỏ thì việc giữ cho mình đội ngũ nòng cốt là một trong điều thiết yếu cần phải làm. Đó cũng là chỗ hổng của nhiều starup khi họ vô tình hay cố ý sao lãng việc nuôi dưỡng cũng như quan tâm hơn đến các “đồng đội” của mình.
Vì vậy, các startup của chúng ta thường sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhân tài ở những thời điểm cần thiết. Đối với tâm lý của một người bình thường, đầy đủ cơm ăn áo mặc có thể được coi là đủ. Nhưng ở những người tài, họ sẽ tìm kiếm một điều gì đó cao hơn nhu cầu thiết yếu.
=> Xem thêm: CEO Cuộc Sống Đúng Nghĩa Trần Đình Tuấn: có giá trị rồi tiền sẽ tự tìm đến với mình /CEO PepsiCo: Muốn lãnh đạo tốt đừng quá thân thiện
Vì vậy, việc trả nhiều tiền cho họ chưa chắc đã có thể giữ chân được những người tài mà chúng ta muốn có được. Họ chỉ ở lại khi chúng ta biết đưa cho họ đúng cái họ cần. Vậy những nhân tài cần gì ở một startup? Chúng ta cần làm gì để giữ được những người đi với với chúng ta trong một quãng đường dài?
1. Chia sẻ thật lòng, chia sẻ tất cả
Khi làm việc với một nhóm những người tài năng, việc bạn cất giữ những bí mật hoặc ý tưởng cho riêng mình sẽ là một mồi lửa châm ngòi cho sự ra đi của những nhân sự trụ cột. Đó cũng là một thói quen thường thấy của những người chủ Việt Nam, họ thường sẽ không muốn tiết lộ bí mật cũng như những “bí kíp” với người khác vì họ sợ rằng những người này sẽ ăn cắp và cạnh tranh với họ. Thực tế thì, hiện nay không có gì còn là bí mật nữa, những chuyên gia hàng đầu về công nghệ và tài chính cũng đã chia sẻ gần như tất cả hiểu biết, kinh nghiệm của họ thế giới, vậy thì chúng ta chẳng có việc gì phải giấu đi những điều đó cả.
Ngược lại, khi chia sẻ ý tưởng một cách thẳng thắn và hết lòng, chúng ta còn sẽ nhận được những góp ý từ các cộng sự tài năng. Họ sẽ chỉ ra những ưu nhược điểm cho ý tưởng đó. Hơn thế nữa, khi được chia sẻ hết lòng những cộng sự sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, và đó cũng là cách chúng ta cho họ thấy chúng ta quý trọng họ, coi họ như những thành viên quan trọng nhất.
Một điểm quan trọng khác cần chú ý đó là dù có đam mê khởi nghiệp thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải nhìn vào thực tế rằng, chẳng ai làm điều gì mà không cần tiền. Đừng bao giờ mong muốn những người cộng sự của chúng ta phải làm việc ngang bằng với mình nhưng lại trả họ một mức lương của một nhân viên bình thường. Chia cổ phần cho những thành viên gạo cội cũng là cách các founder chứng tỏ rằng họ đang trân quý các nhân tài.Doanh nghiệp làm ra có thể sẽ thất bại nhưng chắc hẳn rằng, chúng ta sẽ vẫn còn những người cộng sự đắc lực nhất ở bên cạnh. Nếu tôi nhớ không lầm, thì Jack Ma vẫn giữ được đội ngũ hơn mười người của mình trong suốt khoảng thời gian phát triển và đi lên của Alibaba. Điều đó cho thấy rằng, một đội ngũ thân cận sẽ là một điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp.
2. Văn hóa công ty sẽ là khung sườn vững chắc
Hãy tìm những người có cùng chung văn hóa với công ty khởi nghiệp của mình. Nếu bạn chọn một người không phù hợp thì trước sau gì họ cũng sẽ sớm ra đi. Ví dụ như khi chọn người quá nghiêm túc cho một công ty toàn những người thích đùa giỡn, thì không sớm thì muộn “nhân tài” đó sẽ sớm phải ra đi. Điều tốt nhất là nên hình thành được một văn hóa cho startup của mình, nhờ đó bạn mới có thể tìm được những người có cùng nét văn hóa, nó có thể là văn hoá billard, văn hoá chơi game, văn hoá ăn uống, hay văn hoá đùa giỡn, hãy dùng nó làm xương sống cho doanh nghiệp của mình.
Khi đã xác định được rõ ràng văn hoá đó rồi ta có thể từ đó chọn được những người thực sự phù hợp với đội ngũ của mình về lâu về dài. Không những giữ chân được các nhân tài, có cùng văn hoá trong công ty sẽ giúp thúc đẩy tiến độ công việc nhanh hơn rất nhiều. Đó cũng là lý do mà Google, Apple hay Facebook luôn là những người tiên phong cho việc tạo nên một văn hoá cực kỳ đặc trưng cho công ty của họ.
3. Chim đại bàng luôn cần có khung trời riêng
Khi khởi nghiệp càng phát triển về sau, sự thoải mái và tự do của nó có thể không còn như những ngày đầu nữa. Càng ngày nó sẽ càng đòi hỏi một sự chặt chẽ và chỉnh chu hơn, mô hình quản lý linh động kiểu startup có khi sẽ không còn giữ được mà chuyển dần sang kiểu “Top-down”. Nếu ví những nhân tài như nhưng cánh chim đại bàng thì ta có thể nói rằng, họ có thể sẽ ra đi vì cảm thấy khoảng không của mình đã bị bóp thắt lại. Họ không còn có thể tung bay như ngày xưa .
Những ý tưởng của họ có khi sẽ không còn được lắng nghe nhiều nữa, vì mọi thứ bây giờ cần phải được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng hơn. Để có được sự sáng tạo, những cánh chim này cần sự to do hơn bao giờ hết. Vì vậy hãy tạo ra cho họ một khoảng không, một vùng trời riêng. Hãy trân trọng và lắng nghe ý tưởng của những người cộng sự thân tín, vì họ cũng chính là bộ khung sườn vững chắc nhất cho mỗi startup. Khi được lắng nghe, họ sẽ cảm thấy mình được tự do đưa ra suy nghĩ và những ý tưởng của họ có thể giúp ích rất nhiều cho startup
4. Luôn thách thức những tài năng
Và đừng quên điều cuối cùng, hãy luôn thách thức giới hạn của những nhân tài cũng là một trong những cách khiến họ muốn làm việc lâu hơn cho bạn. Nếu chúng ta có thể làm họ phấn khích bởi những mục tiêu mới mà ta đề ra, giúp họ thấy rằng họ vẫn đang cần cố gắng mỗi ngày, mọi thứ không còn là điều dễ dàng nữa, thì họ sẽ muốn trụ lại lâu hơn cho công việc hiện tại, vì bản năng con người là luôn muốn chinh phục. Nếu không kịp thời khuyến khích và thách thức các tài năng của công ty, họ sẽ dễ dàng chán nản với công việc và sẽ nghĩ đến việc đổi chổ làm để đáp ứng đủ năng lực của mình. Tuy nhiên cũng nên nhìn thực tế vào giới hạn và điểm mạnh của mỗi người, từ đó chúng ta sẽ thách thức họ ở mức độ phù hợp nhất.